Ung thư là gì?
Ung thư là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu trên toàn thế giới, chiếm gần 10 triệu ca tử vong vào năm 2020.
Hãy cùng Spart.vn tìm hiểu nhé.
1. Ung thư là gì?
Ung thư là tập hợp các bệnh lý đặc trưng bởi sự phát triển bất thường của các tế bào phân chia không kiểm soát và có khả năng xâm nhập, phá hủy các mô cơ thể bình thường.
Hầu hết, các tế bào trong cơ thể có chức năng cụ thể và tuổi thọ cố định. Trong quá trình điều hòa, một tế bào nhận được chỉ thị để chết và cơ thể có thể thay thế nó bằng một tế bào mới hơn hoạt động tốt hơn. Với các tế bào ung thư thiếu các yếu tố hướng dẫn chúng ngừng phân chia và chết. Kết quả dẫn đến sự tích tụ trong cơ thể, sử dụng oxy và chất dinh dưỡng thường nuôi dưỡng các tế bào khác.
Các tế bào ung thư có thể xuất hiện ở một khu vực, sau đó lan rộng qua các hạch bạch huyết. Một số loại ung thư gây ra sự phát triển tế bào nhanh chóng, trong khi những loại khác làm cho các tế bào phát triển và phân chia với tốc độ chậm hơn.
Có hơn 100 loại ung thư khác nhau. Ung thư thường được gọi tên theo cơ quan mà nó phát sinh, ví dụ: Ung thư phổi phát sinh từ các tế bào ở phổi, ung thư đại tràng phát sinh từ các tế bào ở đại tràng. Ung thư cũng có thể được gọi theo loại tế bào hình thành chúng như ung thư biểu mô (carcinoma) hay ung thư mô liên kết (sarcoma). Ngoài ra các ung thư có thể phát triển từ máu, như là các bệnh máu ác tính.
2.Triệu chứng
Các dấu hiệu và triệu chứng gây ra bởi ung thư sẽ thay đổi tùy thuộc vào phần nào của cơ thể bị ảnh hưởng cũng như giai đoạn phát triển của bệnh.
Về cơ bản, ở giai đoạn sớm, cơ thể sẽ khó nhận thấy những dấu hiệu khác biệt. Tuy nhiên, một số dấu hiệu và triệu chứng chung liên quan nhưng không đặc hiệu với ung thư có thể kể đến bao gồm:
- Mệt mỏi
- Thay đổi cân nặng bất thường, bao gồm giảm hoặc tăng ngoài ý muốn.
- Thay đổi da, như vàng, sạm hoặc đỏ da, vết loét không lành hoặc thay đổi nốt ruồi hiện có
- Ho dai dẳng hoặc khó thở
- Khó nuốt, khàn tiếng
- Khó tiêu dai dẳng hoặc khó chịu sau khi ăn
- Đau cơ hoặc đau khớp dai dẳng
- Chảy máu không rõ nguyên nhân hoặc bầm tím
3.Các yếu tố nguy cơ gây
Cho đến nay, vẫn chưa xác định được nguyên nhân rõ ràng gây ung thư, mà chỉ có thể xác định được các yếu tố nguy cơ. Bệnh hình thành từ một quá trình lâu dài gồm nhiều giai đoạn, từ các tế bào bình thường chịu các tác động từ bên trong và bên ngoài cơ thể, biến đổi thành tế bào bất thường có khả năng sinh sản vô tận. Sự tương tác giữa nhiều yếu tố gây ra các tổn thương trong nhân tế bào. Nguy cơ có thể đến từ yếu tố di truyền, hay các tác nhân bên ngoài từ môi trường sống.
Nguy cơ liên quan đến di truyền và tuổi tác là các yếu tố không thể thay đổi, nguy cơ từ môi trường bên ngoài là các yếu tố có thể thay đổi.
3.1.Yếu tố di truyền
Những thay đổi di truyền có nguy cơ gây bệnh vì:
- Tế bào phân chia không đúng cách;
- ADN bị thiệt hại do các tác động từ môi trường như hóa chất trong khói thuốc lá, tia cực tím trong nắng mặt trời.
Bệnh phát triển như thế nào:
Những thay đổi di truyền có thể gây ung thư thường có xu hướng ảnh hưởng đến 3 loại gen chính: Gen sinh ung thư, gen sửa chữa và gen ức chế khối u.
Gen proto-oncogenes có liên quan đến sự phát triển và phân chia tế bào bình thường. Khi các gen này bị thay đổi hoặc hoạt động mạnh hơn bình thường có thể trở thành gen gây ung thư.
Các gen ức chế khối u tham gia kiểm soát sự phát triển và phân chia của tế bào. Khi các gen này không kiểm soát được sự phân chia và phát triển tế bào, nó có thể tạo thành ung thư.
Các gen sửa chữa ADN có nhiệm vụ sửa chữa các ADN bị lỗi. Khi gen này bị đột biến, các tế bào của nó có xu hướng phát triển một đột biến ở gen khác. Những thay đổi trong nhiễm sắc thể của chúng có thể tạo thành ung thư.
3.2.Các yếu tố môi trường
- Chất gây ung thư vật lý: Ví dụ tia cực tím từ nắng mặt trời hoặc bức xạ ion hóa.
- Chất gây ung thư hóa học: Chẳng hạn như khói thuốc lá, rượu, các chất amiang, aflatoxin, asen.
- Chất gây ung thư sinh học: Chẳng hạn như nhiễm các loại virus như HPV, HIV, virus viêm gan C, virus viêm gan B và virus Epstein-Barr; vi khuẩn hoặc ký sinh trùng như sán lá gan.
Ngoài ra, dường như nguy cơ ung thư tăng lên khi tuổi càng cao. Nguyên nhân có thể do sự tích tụ các chất gây hại bên trong cơ thể tăng lên theo thời gian, cộng với cơ chế sửa chữa tế bào giảm dần khi hệ miễn dịch suy yếu theo tuổi tác.
4.Phương pháp điều trị
Dựa vào loại bệnh, kết quả chẩn đoán, mức độ và giai đoạn phát bệnh cùng với tình trạng sức khỏe tổng thể của người bệnh,… mà bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị thích hợp. Cụ thể các biện pháp chữa bệnh ung thư phổ biến gồm:
Phẫu thuật: Có thể loại bỏ hoàn toàn tế bào ung thư bằng cách cắt toàn bộ hoặc 1 phần khối u, có thể loại bỏ cả những tế bào vẫn còn khỏe mạnh.
Hóa trị: Sử dụng các loại thuốc chuyên biệt do bác sĩ kê đơn để loại bỏ nhanh chóng các tế bào ung thư.
Xạ trị: Loại bỏ tế bào ung thư bằng cách sử dụng chùm tia bức xạ mạnh, có thể gồm xạ trị bên ngoài và cận xạ trị.
Liệu pháp miễn dịch: là phương pháp tăng cường hệ miễn dịch bằng cách bổ sung cho cơ thể nhiều kháng thể, từ đó loại bỏ khối u.
Cấy ghép tế bào gốc: Là biện pháp chữa trị riêng biệt cho bệnh ung thư tủy xương, xương và cho phép bác sĩ thay thế sử dụng liều hóa trị cao.
Liệu pháp hormone: Phương pháp này giúp ngăn chặn, loại bỏ hormone mang đến nguồn dinh dưỡng cho tế bào ung thư, đồng thời hạn chế tình trạng bệnh phát triển.
Điều trị bằng thuốc: Sử dụng thuốc trị ung thư với thành phần đặc biệt nhằm can thiệp vào những bộ phận tổn thương để ngăn cảng ung thư tồn tại và phát triển.
Như vậy, việc nắm rõ nguyên nhân ung thư sẽ giúp bạn phòng ngừa và chữa bệnh tốt hơn. Tuy nhiên, phát hiện bệnh sớm là điều cần thiết để giúp quá trình chữa bệnh đạt hiệu quả cao. Nhất là phải tuân thủ đúng phác đồ điều trị của bác sĩ, kết hợp nghỉ ngơi, ăn uống phù hợp và giữ tinh thần luôn vui tươi.