Thục địa: Vị thuốc từ cây Địa hoàng có tác dụng bổ máu, bổ thận
Thục địa là một vị thuốc quý và phổ biến trong Đông y có công dụng bổ tinh, bổ máu, bổ can thận, trị các chứng đau lưng mỏi gối, say xẩm chóng mặt, tinh thần mệt mỏi.
Trong y học cổ truyền, thục địa là vị thuốc chủ yếu để bổ Thận, thuốc tốt nhất để dưỡng âm. Đây là thuốc vị “quân” trong nhiều cổ phương, như: Lục vị địa hoàng hoàng hoàn (thục địa, hoài sơn, sơn thù, đơn bì, trạch tả, bạch linh) hay bài Tứ vật (thục địa, bạch thược, đương quy, xuyên khung) …
Thục địa là gì?
Thục địa tên khoa học là Radix Rehmanniae glutinosae praeparata. Là rễ củ đã chế biến của cây Địa hoàng – tên khoa học là Rehmannia glutinosa (Gaertn.) Libosch.
Địa hoàng tên khoa học là Rehmannia glutinosa (Gaertn). Họ Hoa mõm chó (Scrophulariaceae).
Sinh địa là thân rễ phơi hay sấy khô của cây địa hoàng; còn thục địa được chế biến từ sinh địa theo dạng đồ, nấu chín. Thục địa được xem là thuốc chủ yếu để bổ thận.
Theo GS.TS. Đỗ Tất Lợi, sinh địa và thục địa đều là thần dược (thuốc quý rất tốt) để chữa bệnh về huyết, nhưng sinh địa thì mát huyết, người nào huyết nhiệt nên dùng, thục địa ôn và bổ thận, người huyết suy nên dùng.
Thành phần của Thục địa
Hàm lượng của các hợp chất trong Thục địa thay đổi tùy thuộc vào số lần hấp, sấy và phương pháp làm khô.
Trong Thục địa, người ta tìm thấy các chất sau: Catalpol, Galactose, Glucose và Fructose, Maltose và Sucrose. Ngoài ra còn có các loại chất béo thô và protein thô.
Tác dụng của Thục địa
Theo Y học cổ truyền:
Thục địa có công dụng bổ máu, bổ thận tráng dương. Đây là vị thuốc không thể thiếu trong nhiều bài thuốc quan trọng để trị một số bệnh lý như bệnh cao huyết áp, tình trạng suy nhược cơ thể, hạ đường huyết, chống viêm,… Khi ngâm rượu trong 10 ngày sẽ có tác dụng bổ thận tráng tinh, rất hiệu quả. Đối với nữ giới, loại thuốc này giúp bổ máu, đặc biệt phù hợp với những chị em vừa trải qua thời kỳ sinh nở hoặc vào đang trong những “ngày đèn đỏ”.
Theo Y học hiện đại
• Các thí nghiệm dược lý và lâm sàng phong phú cho thấy Thục địa có thể ngăn ngừa loãng xương sau mãn kinh và loãng xương do tuổi già.
• Kết quả nghiên cứu cho thấy Thục địa làm tăng hoạt tính chống viêm trong các đại thực bào đã được kích hoạt. Điều này cho thấy Thục địa có hoạt tính kháng viêm.
• Một số nghiên cứu thực nghiệm còn có tác dụng hạ huyết áp.
Chế biến Sinh địa thành Thục địa như thế nào?
Thục địa bào chế đúng là loại phiến dày hoặc khối không đều. Bề mặt không đều, mặt ngoài bóng. Chất của nó mềm, dai, khó bẻ gãy. Mặt cắt ngang có màu đen nhánh, mịn bóng. Chúng có vị ngọt, không mùi. Có 2 cách chế Thục địa phổ biến.
Bào chế Thục địa theo cách 1
Lấy củ Sinh địa đã rửa sạch, cho vào thùng, xếp củ to ở dưới, củ nhỏ ở trên. Cứ 90 kilogram Sinh địa thì thêm 10 lít rượu. Bắc lên đun đến sôi. Tiếp tục đun nhỏ lửa từ 6 giờ đến 8 giờ cho đến cạn. Trong khi đun, cứ khoảng 1 giờ lại lấy nước ở đáy nồi tưới lên các củ cho thấm đều.
Sau đó lấy ra phơi 3 ngày, rồi lại đem nấu lần thứ 2 với nước gừng. Dùng 2 kilogram Gừng tươi giã nhỏ cho vào nước, khuấy đều, lọc lấy nước, nấu với Sinh địa. Sau đó lặp lại, vớt ra phơi, rồi lại nấu. Làm như vậy 5 đến 7 lần, đến khi dược liệu có màu đen nhánh.
Bào chế theo cách 2
Lấy sinh địa 10kg, loại bỏ đất cắt, rửa sạch, để ráo nước. Lấy gừng tươi 10kg, rửa sạch, thái nhỏ hoặc xay ướt. Lấy sa nhân 1.5kg, loại bỏ tạp chất, rửa sạch, đập, giã hoặc xay nhỏ. Cho gừng tươi và sa nhân vào nồi nấu hai vỏ. Thêm nước, đun sôi, điều chỉnh nhiệt độ để sôi âm ỉ trong 1 giờ, rút dịch chiết sa nhân – gừng để được khoảng 50 lít.
Cho sinh địa đã ráo nước vào nồi nấu hai vỏ. Tẩm sinh địa với 1.2 lượng rượu (22.5 lít) cùng với dịch chiết sa nhân – gừng, ngâm ủ trong 2 giờ. Nếu lượng dịch sa nhân – gừng, rượu chưa đủ ngập sinh địa thì bổ sung thêm nước sạch (yêu cầu cao hơn mặt sinh địa 2 cm đến 3 cm). Tiến hành nấu trong 3 ngày, mỗi ngày đun âm ỉ trong 6 giờ. Đêm ngừng nấu. Cứ sau mỗi ngày lại bổ sung thêm nước sôi cho đủ ngập.
Sau đó đến ngày thứ 4 thì rút dịch nấu, gộp cùng 1/2 lượng rượu còn lại. Đảo trộn cho Sinh địa được ngấm đều rượu. Đổ dịch nấu vào gộp với rượu ở trên và ngâm ủ trong 2 h. Bổ sung nước cho ngập rôi đun âm ỉ tiếp trong 6 giờ. Đêm ngừng nấu. Ngày thứ 5 tiếp tục nấu và điều chỉnh lượng nước sao cho lượng dịch nấu rút ra ngày hôm sau chi còn khoảng 9 đến 10 lít. Sinh địa sau khi được nấu trở nên đen nhánh, có mùi thơm, vị ngọt. Để nguyên hoặc thái lát dày 3 đến 4 mm. Đem sấy. Trong quá trình sấy, tẩm với dịch còn lại.
Quá trinh tẩm – sấy (hoặc phơi nắng) được làm liên tục cho tới khi hết dịch và thục địa thu được trở nên đen, láng bóng, khô, dẻo, thớ dai chắc, sờ không dính tay là được.
=====
Chiết xuất Địa hoàng cũng là thành phần quan trọng trong sản phẩm đông trùng hạ thảo Thiên Địa Nhân, giúp bồi bổ sức khỏe, tăng cường sức đề kháng cho người mới ốm dậy, người cao tuổi. Sản phẩm do Viện Nghiên cứu Thực phẩm Chức năng (R.I.F.F) nghiên cứu và chuyển giao công nghệ.