Đặc điểm và công dụng của Bạch phục linh
Bạch phục linh là một loại nấm mọc ký sinh trên rễ cây thông. Công dụng của Bạch phục linh là vị thuốc dùng cho trường hợp tiểu ít, tiểu rắt tiểu buốt, phù nề, nôn thổ tiêu chảy, hồi hộp, nhịp tim nhanh, mất ngủ …
Cùng tìm hiểu về công dụng, lưu ý khi sử dụng bạch phục linh qua bài viết dưới đây.
Đặc điểm nấm Bạch phục linh
Bạch phục linh còn gọi là bạch linh, phục linh, phục thần. Tên gọi Phục linh mang hàm nghĩa là linh khí của cây thông, nấp dưới lớp đất. Nấm Bạch phục linh có hình khối to, không đồng nhất, có thể hình cầu hoặc hình thoi, đường kính từ 10–30cm hoặc hơn. Mặt ngoài của dược liệu nhăn nheo, lồi lõm, màu nâu hoặc xám đen, có thể thành bướu. Khi cắt ngang, ruột có thể màu trắng (bạch phục linh) hoặc hồng xám (xích phục linh).
Bạch Phục linh thường được thu hoạch vào tháng 7-9, sau đó đem làm sạch, phơi khô. Dược liệu không có mùi, vị hơi nhạt.
Công dụng của Bạch phục linh
Theo Đông Y, phục linh có vị ngọt nhạt, tính bình, quy vào kinh tỳ, tâm, phế, thận, có tác dụng lợi niệu thẩm thấp, kiện tỳ, an thần.
Ngày nay, các nhà khoa học chiết xuất – phân lập các thành phần và thử hoạt tính sinh học của bạch phục linh. Cụ thể, polysaccharides, triterpenoids và axit béo có trong nấm phục linh được chứng minh có khả năng lợi tiểu, chống viêm, chống oxy hóa và chống lão hóa, điều hòa miễn dịch, hạ đường huyết và điều trị ung thư, … Một số thử nghiệm lâm sàng đã được thực hiện để chứng minh tác dụng của bạch phục linh như sau:
Tác dụng chống viêm:
Ở người tình nguyện bị viêm da tiếp xúc gây ra, kem nấm phục linh (poria emollient cream) có hiệu quả chống viêm trong giai đoạn khởi phát và không gây kích ứng cho làn da khỏe mạnh.
Tác dụng điều trị ung thư:
Cả hai phần triterpene và polysaccharide của bạch phục linh đều có tác dụng chống ung thư trong ống nghiệm, có khả năng chống lại nhiều dòng tế bào ung thư ở người như bệnh bạch cầu và u ác tính, ung thư phổi, tuyến tiền liệt, buồng trứng, dạ dày, tuyến tụy, vú và da. Thử nghiệm trên động vật được tiêm gây ung thư cho thấy hiệu quả giảm trọng lượng khối u theo nồng độ sử dụng.
Bệnh tiểu đường:
Thử nghiệm trên động vật cho thấy bạch phục linh có hiệu quả làm giảm đáng kể đường huyết ở những con chuột bị mắc bệnh tiểu đường. Điều này có thể được giải thích là do thành phần triterpenes chiết xuất từ bạch phục linh giúp cải thiện độ nhạy của insulin với tế bào đích, từ đó dẫn đến giảm đường huyết.
Điều hòa miễn dịch:
Thử nghiệm cho thấy sử dụng các dịch chiết từ nấm phục linh làm tăng cường hoạt động miễn dịch của lách và tuyến ức chuột. Sự gia tăng phản ứng miễn dịch đo được ở đại thực bào được cho là do tác động lên cytokine, bao gồm yếu tố hoại tử khối u và interleukin.
Gan nhiễm mỡ:
Một nghiên cứu quan sát tác động của nấm phục linh in vitro và in vivo cho thấy rằng dịch chiết nấm phục linh cải thiện tình trạng gan nhiễm mỡ.
Lưu ý khi sử dụng bạch linh
• Liều dùng nấm phục linh tham khảo là từ 6 – 12g mỗi ngày
• Dược liệu có thể dùng ở dạng nước sắc, tán bột hoặc viên hoàn
• Có thể dùng riêng hoặc kết hợp cùng các dược liệu khác tùy tình trạng bệnh và bài thuốc
• Không nên dùng liều lượng lớn cho người bị thoát vị, di hoạt tinh do hư hàn, tỳ hư hạ hãm (sa trực tràng/dạ dày)
• Không kết hợp với giấm khi chế biến các món ăn và bài thuốc có thành phần phục linh.
=======
Trên đây công dụng của Bạch phục linh và một số lưu ý. Đây cũng là thành phần trong sản phẩm NEO 19 dành cho người hay quên, đau đầu mệt mỏi, mất ngủ, và sản phẩm phòng chống đột quỵ Yên cung tĩnh tâm đan. Các sản phẩm do Viện Y học Bản địa Việt Nam nghiên cứu phát triển.