5 cách phòng cảm cúm hiệu quả nhất cho bà bầu
Cảm cúm có thể sẽ gây dị tật thai nhi, tuy nhiên việc dùng thuốc khi mang thai thường kéo theo nhiều ảnh hưởng tiêu cực. Vì vậy, cách tốt nhất là cần phòng tránh nguy cơ mắc cúm để đảm bảo cho các mẹ bầu có một thai kỳ thật khỏe mạnh.
Cảm cúm được xem là một bệnh khá nguy hiểm trong thai kỳ, đặc biệt là ở những tháng đầu tiên. Virus cúm có thể là nguyên nhân gây co bóp tử cung khiến sảy thai, sinh non hoặc làm tăng nguy cơ bị dị tật bẩm sinh ở thai nhi. Vậy nên các bà bầu cần có những biện pháp phòng tránh để làm giảm khả năng mắc cúm trong giai đoạn mang thai. Bài viết dưới đây sẽ chỉ ra 5 cách để phòng ngừa cảm cúm hiệu quả nhất cho bà bầu.
1. Tiêm vắc xin phòng cúm
Tiêm phòng cúm là một trong những phương pháp hữu hiệu giúp bảo vệ cả mẹ và bé khỏi nguy cơ mắc bệnh cúm. Việc tiêm phòng cúm sẽ giúp truyền các kháng thể kháng cúm sang cho bé và bé sẽ được bảo vệ cho đến mấy tháng đầu sau khi sinh. Các vắc xin cúm là an toàn và có hiệu quả phòng các thể nhẹ và nặng của cúm, tỷ lệ bảo vệ tương đối cao đến 70-90%.
Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú được khuyến cáo nên tiêm phòng vắc-xin chống cúm mỗi năm và nên tiến hành trước khi bước vào mùa cúm từ tháng 10 đến tháng 5 năm sau. Bà bầu có thể tiến hành tiêm phòng cúm vào bất kỳ thời điểm nào của thai kỳ.
2. Tránh tiếp xúc gần hay trực tiếp với các nguồn lây nhiễm cúm
Cúm là căn bệnh rất dễ lây truyền qua không khí, đặc biệt là khi tiếp xúc gần với người bệnh. Chỉ cần một vài hành động như hắt hơi, ho, nói chuyện cũng có thể khiến nguy cơ lây nhiễm cúm là rất cao. Ngoài ra, cúm cũng có thể lây lan thông qua việc sử dụng chung đồ với người bệnh. Chính vì thế, khi người nhà hay những người xung quanh mắc bệnh cúm, các bà bầu cần tránh tiếp xúc gần hoặc cần có những đồ vật hỗ trợ phòng ngừa như đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên với xà phòng hoặc nước sát khuẩn.
Ngoài ra, vào cao điểm mùa dịch, bà bầu cần hạn chế xuất hiện ở những khu vực tập trung đông người như siêu thị, chợ, trung tâm mua sắm, rạp chiếu phim,… vì đó là những nơi có khả năng lây nhiễm cúm rất cao.
3. Duy trì không khí thông thoáng cho nơi ở
Những tác động từ yếu tố môi trường sống cũng là tác nhân dễ gây nên tình trạng cúm cho các bà bầu. Nếu nhà bạn đang ở có độ ẩm không khí cao và không thông thoáng thì có thể cân nhắc việc sử dụng máy hút ẩm để duy trì không khí trong lành và khô thoáng.
Ngược lại nếu nơi ở có độ ẩm không khí thấp và đặc biệt vào mùa đông các gia đình có thể sử dụng lò sưởi khiến không khí trở nên khô hơn, đây chính là điều kiện thuận lợi để virus cúm phát triển nên cần có máy tạo độ ẩm cho không khí trong nhà.
Bên cạnh đó, việc sử dụng điều hòa 24/24 cũng không tốt cho sức khỏe của mẹ bầu. Vậy nên hãy tận dụng thời điểm thích hợp để mở cửa sổ cho nguồn gió tự nhiên có thể thổi vào nhà giúp điều hòa không khí tốt hơn.
4. Giữ cơ thể luôn ấm khi vào mùa đông
Đối với mẹ bầu sinh sống ở khu vực miền Bắc thì mùa đông chính là mùa có nguy cơ bị cúm cao nhất và biến chứng của cúm có thể dẫn đến viêm phổi cấp gây ảnh hưởng xấu cho sức khỏe của mẹ và bé. Vì thế điều kiện tiên quyết giúp bà bầu phòng tránh cúm khi bước vào mùa đông chính là luôn giữ ấm cơ thể. Việc giữ ấm có thể thực hiện bằng các phương pháp như:
Vận động cơ thể như di chuyển, mát xa để giúp máu tuần hoàn và cơ thể ấm hơn
Mặc quần áo đủ để giữ ấm, tuy nhiên không nên mặc quá nhiều vì có thể khiến cơ thể ra nhiều mồ hôi hơn, vì thế nên chọn quần áo có chất liệu mềm, nhẹ, khả năng hút ẩm tốt.
Ngoài ra khi đi ra ngoài cần giữ ấm cho đôi, tay và chân thật cẩn thận.
Nếu có thể mỗi ngày sản phụ nên ra ngoài tắm nắng để có thể bổ sung lượng vitamin D cần thiết.
Chứng mất nước vào mùa đông sẽ làm bà bầu dễ cảm lạnh hơn so với thông thường nên cần bổ sung đủ nước và calo mỗi ngày để đảm cơ thể có đủ năng lượng.
5. Tăng cường hệ miễn dịch cho cơ thể
Hệ thống miễn dịch là hệ thống phòng thủ tự nhiên của cơ thể bạn. Đó là một mạng lưới phức tạp của các tế bào, mô và các cơ quan kết hợp với nhau để bảo vệ cơ thể bạn chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virus. Một hệ thống miễn dịch khỏe mạnh bảo vệ chúng ta bằng cách trước tiên tạo ra một rào cản ngăn chặn virus, vi khuẩn hay ký sinh trùng hoặc kháng nguyên xâm nhập vào cơ thể. Và nếu chúng vượt qua hàng rào, hệ thống miễn dịch sẽ tạo ra các tế bào bạch cầu và các hóa chất và protein khác tấn công và phá hủy các chất lạ này. Khi hệ miễn dịch hoạt động bình thường, hệ thống phòng thủ phức tạp này có thể ngăn chặn các vấn đề sức khỏe từ ung thư cho đến cảm cúm thông thường.
Một số biện pháp giúp tăng cường cho hệ miễn dịch cơ thể nói chung và sức đề kháng cho bà bầu nói riêng:
Trước tiên, bạn cần phải giảm bớt căng thẳng, đó là thay đổi quan trọng nhất bạn có thể thực hiện. Nếu bạn thường xuyên cảm thấy căng thẳng sẽ khiến cơ thể bạn bị suy yếu.
Tập thể dục hàng ngày có thể giúp loại bỏ vi khuẩn ra khỏi phổi và đường hô hấp. Điều này có thể làm giảm khả năng bị cảm lạnh, cúm hoặc các bệnh khác.
Chế độ ăn uống lành mạnh: dinh dưỡng hợp lý là điều cần thiết để hệ thống miễn dịch hoạt động tốt. Một chế độ ăn giàu vitamin giúp cơ thể chống oxy hóa, mặt khác, có thể tăng cường sức đề kháng với nhiễm trùng. Bạn nên lựa chọn các loại hoa quả, thực phẩm như: trái cây và rau màu xanh đậm, đỏ, vàng và cam; các loại quả mọng, trái cây họ cam quýt, kiwi, táo, nho đỏ, cải xoăn, hành tây, rau bina, khoai lang và cà rốt. Tỏi có đặc tính kháng vi-rút và kháng sinh cũng rất có tác dụng giúp bà bầu tăng sức đề kháng cho cơ thể.