Các chỉ số chức năng gan
Các chỉ số chức năng gan bao gồm men gan (ALT, AST, …), protein gan, Bilirubin, tiểu cầu, … Thông qua xét nghiệm các chỉ số này có thể biết được tình trạng của gan để chẩn đoán chính xác bệnh lý mà bệnh nhân mắc phải.
Các chỉ số men gan
Men gan là gì?
Men gan là hệ thống enzym hoàn chỉnh trong gan giúp tổng hợp và chuyển hoá chất, khi bị rối loạn có thể dẫn tới gia tăng hàm lượng giải phóng vào máu.
Các chỉ số men gan bao gồm AST và ALT, AP và GGT. Trong trường hợp kết quả xét nghiệm cho thấy nồng độ của các chỉ số này tăng (men gan cao) thì khả năng cao người bệnh đã mắc bệnh gan.
Chức năng gan AST là gì?
• AST (Aspart transaminase), hay còn gọi là GOT, là một enzyme tham gia vào quá trình chuyển hóa amin trong cơ thể.
• AST có ở nhiều cơ quan như gan, tim, cơ, thận, não. Do vậy, men này không đặc hiệu cho tình trạng tổn thương gan.
Chức năng gan ALT là gì?
• ALT (alanine aminotransferase), hay còn gọi là GPT, là một loại men được tìm thấy ở trong tế bào gan. ALT có vai trò hỗ trợ phân giải protein để cơ thể có thể dễ dàng hấp thụ.
• So với chỉ số AST, ALT là chỉ số đặc hiệu, cảnh báo rõ nét hơn những tổn thương ở gan do nằm chủ yếu trong bào tương ở gan (chỉ một số ít trong tế bào cơ vân và tim). Khi gan có dấu hiệu viêm hoặc tổn thương, lượng ALT trong máu tăng lên. Do vậy khi nghi ngờ bệnh về gan, bác sĩ thường sử dụng xét nghiệm này để chẩn đoán bệnh.
Bình thường, chỉ số ALT xét nghiệm cũng trong khoảng: 20 U/L – 40 UI/L tương đương với mức bình quân của men AST.
Chức năng gan GGT là gì? AP là gì?
GGT và AP, còn được gọi là chỉ số men gan mật. 2 chỉ số này tăng lên khi gan gặp các vấn đề như tổn thương, tắc mật, viêm đường mật. Có thể nhận thấy mức tăng của men gan mật khá rõ rệt, có thể tăng gấp gần 10 lần so với bình thường.
Trong khi GGT tồn tại chủ yếu trong gan thì AP ngoài xuất hiện nhiều ở gan còn tìm thấy ở nhau thai, ruột và thận.
Chỉ số bình thường của AP là 35 – 115 IU/l và GGT là 3 – 69 IU/l.
Bilirubin
Bilirubin là một sắc tố màu vàng được hình thành từ kết quả của quá trình hồng cầu phá vỡ tự nhiên, sau đó chuyển theo đường máu tới gan và đào thải phân và nước tiểu.
Khi chỉ số này tăng đồng nghĩa với việc người bệnh bị vàng da, vàng mắt, màu sắc nước tiểu chuyển sang sẫm như nước trà đặc, phân chuyển thành màu đất sét nhạt.
Thông thường, khi xét nghiệm chỉ số chức năng gan mà Bilirubin tăng thì men gan mật cũng tăng theo. Vì thế, người bệnh không chỉ bị vàng da mà còn suy giảm chức năng gan hoặc tắc mật.
Protein gan
Có 3 loại Protein gan chính là Albumin, globulin và prothrombin. Mức độ trầm trọng của bệnh gan được biểu hiện thông qua 3 chỉ số này.
Albumin
Albumin là chất quan trọng trong hoạt động chức năng của gan. Khi nồng độ albumin suy giảm đồng nghĩa với việc gan đã bị tổn thương nghiêm trọng. Thông thường, lượng albumin trong máu là 4g/dl. Nhưng nếu mắc phải gan mạn tính kèm theo xơ gan thì chỉ số này sẽ không vượt quá 3g/dl. Thiếu hụt albumin là tác nhân gây ra phù và báng bụng. Đồng thời, điều này còn cho thấy sức khoẻ của người bệnh kém và đang thiếu hụt chất dinh dưỡng.
Globulin
Globulin miễn dịch là chất do gan và bạch cầu sản xuất ra, có liên quan đến hệ thống miễn dịch của cơ thể. Có 3 loại globulin miễn dịch và globulin miễn dịch A, G và M. Một vài loại sẽ tăng lên khi người bệnh bị gan mạn tính. Ngoài ra, mức tăng của 3 chỉ số này phụ thuộc vào loại virus gây ra bệnh.
Ngoài ra, cục máu đông có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự chảy máu liên tục. Mà gan chính là cơ quan chủ yếu sản xuất ra yếu tố hình thành cục máu đông. Thông thường, mỗi cục máu đông sẽ mất 9 – 11 giây để được tạo ra, điều này được gọi là thời gian prothrombin.
Bên cạnh đó, để sản xuất ra cục máu đông thì không thể thiếu được vitamin K. Vì thế, nếu gan bị tổn thương nặng hay lượng vitamin K bị thiếu hụt thì quá trình tạo ra cục máu đông sẽ lâu hơn bình thường, có thể thấy được khi thực hiện xét nghiệm chỉ số chức năng gan. Vì thế, việc cầm máu và hồi phục các tổn thương sẽ trở nên khó khăn hơn.
Tiểu cầu
Tiểu cầu là yếu tố không thể thiếu để hình thành nên cục máu đông và thường tập trung nhiều ở lá lách. Tuy nhiên, ở người bệnh xơ gan, chức năng gan bị suy giảm vì thế lá lách phải làm việc nhiều hơn để hỗ trợ gan. Nếu quá trình này kéo dài, lá lách sẽ to ra, số lượng tiểu cầu giảm đi. Hiện tượng này được gọi là giảm tiểu cầu
Bệnh nhân được cho là suy giảm tiểu cầu khi có chỉ số tiểu cầu thấp hơn 150 x 103/microlit. Đồng thời, người bệnh còn có nguy cơ cao mắc bệnh xơ gan.