6 lưu ý cho bà bầu để phòng tránh dịch Covid-19
Hiện nay, sau 99 ngày không có ca nhiễm virus Covid-19 nào trong cộng đồng, Việt Nam đã phát hiện thêm các ca nhiễm mới. Điều này gây nên lo ngại lớn cho cộng đồng, đặc biệt là các bà mẹ đang trong kỳ thai sản.
Mặc dù các chuyên gia thế giới nhận định, chưa có bằng chứng khoa học kết luận virus corona có thể lây từ mẹ sang con, tuy nhiên, theo quy luật chung, một bệnh lý nhiễm khuẩn do bất kỳ nguyên nhân gì, có thể cúm hay dịch bệnh khác … đều ảnh hưởng đến thai nhi, nhất là trong 3 tháng đầu của thai kỳ.
Để đảm bảo phòng tránh dịch Covid-19, bà bầu cần thực hiện 6 biện pháp sau:
1. Luôn sử dụng khẩu trang khi ra ngoài và đeo đúng cách
Biện pháp đơn giản phòng ngừa các bệnh lây nhiễm nói chung, giảm nguy cơ lây lan virus corona cho bà bầu trong mùa dịch này là đeo khẩu trang y tế, vì virus corona phải thông qua các giọt bắn, dịch tiết từ nguồn bệnh mới có thể xâm nhập vào cơ thể người và không tự lây truyền qua đường không khí.
Khi đeo, bà bầu chỉnh khẩu trang khít với sống mũi, ôm lấy nửa mặt trên. Khẩu trang có nếp xếp thì phải đeo hướng xếp xuống để các vật, dịch tiết ra sẽ rơi xuống.
2. Rửa tay với xà phòng thường xuyên
Không chỉ riêng bà bầu, Bộ Y tế khuyến cáo, để phòng ngừa vi khuẩn, virus, người dân rửa tay bằng xà phòng, nước sạch trong thời gian tối thiểu 30 giây, đảm bảo 6 bước cơ bản để làm sạch từ mu bàn tay, kẽ tay, đến lòng bàn tay, các ngón tay. Mỗi người luôn rửa sạch tay trước khi ăn uống, sau khi đến nơi công cộng hoặc tiếp xúc với người có triệu chứng cúm, nghi nhiễm virus covid-19.
3. Bổ sung đủ các nhóm chất
Theo ông Nguyễn Đức Minh, Thạc sĩ Dinh dưỡng Đại học Washington, nguyên Phó Phòng Quản lý Khoa học, Viện Dinh dưỡng Quốc gia, mẹ mang thai ăn đầy đủ, cân đối các dưỡng chất, bổ sung sữa trong khẩu phần, tránh trái cây nhiều đường, món quá mặn… giúp hỗ trợ sự phát triển thai nhi, mẹ bầu khỏe mạnh.
Thông thường, nhu cầu năng lượng ở nữ giới khoảng khoảng 2.200 kcal/ngày, khi mang thai sẽ tăng thêm khoảng 360 kcal/ngày (3 tháng đầu), 475 kcal/ngày (7 tháng sau), tăng lên 550 Kcal/ngày trong giai đoạn cho con bú.
Thực đơn cho phụ nữ mang thai cần đầy đủ 4 nhóm chất: đường bột, đạm, béo, vitamin chất khoáng để giúp bé phát triển tốt và mẹ cân bằng vóc dáng. Nhóm giàu chất bột đường như đậu, ngũ cốc, bí đỏ, bắp (ngô), khoai tây, khoai lang, yến mạch … Nhóm chất béo gồm các loại hạt có dầu, mỡ cá, quả bơ; dầu như dầu olive, dầu dừa, sản phẩm từ sữa. Bà bầu cũng nên ăn đồ nấu chín kỹ, không ăn thịt sống hay nấu chín tái
Ngoài ra, mẹ bầu có thể bổ sung thêm các sản phẩm sữa hoặc vitamin tổng hợp giúp cung cấp hàm lượng canxi cao, chống loãng xương, mỏi lưng cho mẹ, hỗ trợ bổ sung đầy đủ vitamin và khoáng chất cần thiết: bổ sung sắt, vitamin, B12, axit folic… hỗ trợ quá trình tăng sinh hồng cầu.
4. Tâm lý thoải mái
Khi mang thai, cơ thể người phụ nữ có nhiều sự thay đổi về thể chất, tinh thần như cân nặng tăng lên, vóc dáng không còn cân đối, làn da nổi mụn, mẹ bầu bị nghén nặng nên rất mệt mỏi, thêm sự lo âu từ dịch bệnh. Tuy nhiên, để cơ thể mẹ và con khỏe mạnh, việc giữ cho tâm lý thoải mái khi mang thai rất cần thiết. Bà bầu cần có những khoảng thời gian nghỉ ngơi yên tĩnh, được yêu thương, chia sẻ.
5. Ngủ đủ giấc
Bên cạnh chế độ dinh dưỡng cân bằng, bà bầu cần chú trọng giấc ngủ. Dù có ăn đủ chất nhưng thường xuyên mất ngủ sẽ khiến chị em không tỉnh táo, thậm chí kiệt sức, nguy hiểm đến sức khỏe.
Bà bầu nên đi ngủ trước 23h, dành 30 phút đến 1h để ngủ trưa mỗi ngày. Nếu khó ngủ bạn nên kê gối cao, nằm nghiêng một bên để giảm áp lực tử cung lên khung chậu. Hàng ngày, tập yoga, đi bộ nhẹ nhàng, đọc sách, nghe nhạc thư giãn để tinh thần thoải mái hơn.
6. Thăm khám định kỳ
Cũng theo ông Minh, khi dịch bệnh bùng phát, nhiều người có tâm lý hạn chế đến những chỗ đông người như bệnh viện… để hạn chế lây lan. Tuy nhiên, việc đi khám thai định kỳ rất cần thiết, các bác sĩ sản khoa tư vấn, hướng dẫn về chế độ dinh dưỡng, chế độ lao động và nghỉ ngơi hợp lý… cho mẹ. Khi đến khám, mẹ bầu nên bảo vệ cơ thể bằng các biện pháp như đeo khẩu trang, rửa tay và tránh giờ cao điểm …
Nếu bỗng nhiên sốt, ho, mệt mỏi … hoặc biểu hiện khác thường, mẹ bầu báo với bác sĩ theo dõi, giữ tâm lý bình tĩnh, đến các cơ sở y tế gần nhất kiểm tra để có hướng điều trị phù hợp, tránh lây lan trong cộng đồng.